Có thể nói, theo Thánh ký Marco, Chúa Giêsu bắt đầu chính thức thi hành thừa tác vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình từ bài Phúc Âm hôm nay. Tức là, sau biến cố Người chịu Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và chay tịnh 40 ngày trong hoang địa, như phần đoạn đầu tiên bao gồm các câu Phúc Âm trước các câu của Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ III Mùa Thường Niên Năm B hôm nay.
Tuy nhiên, theo phụng vụ, sau biến cố Người lãnh nhận Phép Rửa, Người chưa vào hoang địa 40 ngay để chay tịnh và chịu cám dỗ. Trái lại, theo Thánh ký Gioan, Người còn ở gần Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ít là 2 ngày nữa sau biến cố Phép Rửa (xem Gioan 1:29, 35, 43). Thậm chí, cũng theo Phúc Âm Thánh Gioan, có thể Chúa Giêsu còn về Galilêa để dự tiệc cưới Cana "vào ngày thứ ba" sau biến cố Phép Rửa nữa (xem Gioan 2:1). Đó là lý do Giáo Hội đã cố ý chọn đọc ba bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan về thời đoạn mấy ngày chuyển tiếp lưng chừng này cho Chúa Nhật II Thường Niên, trước khi tới bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Thường Niên Năm B hôm nay.
Ngay chi tiết đầu tiên của bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy một sự kiện chuyển tiếp thật tuyệt vời, sự kiện chuyển tiếp từ một tận điểm sang một khởi điểm đã được ấn định cần phải khít khao xẩy ra, đó là: "Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa". Đúng thế, Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả dù sao cũng chỉ được sai đến để dọn đường cho "Đấng đến sau" (trước biến cố Phép Rửa, như các bài Phúc Âm Nhất Lãm trong Mùa Vọng cho thấy) và để làm chứng cho Người là "Chiên Thiên Chúa" (như các bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho thấy trong các ngày 2-5/1 trước Lễ Hiển Linh ngày 6/1), tự bản thân của ngài "không phải là ánh sáng" (Gioan 1:8), mà ngài chỉ "được sai đến... để làm chứng cho ánh sáng" (Gioan 1:6-7), cho tới khi "ánh sáng thực chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), thì ngài "bị bắt" và bị nhốt ở trong ngục tối, như ánh sáng của "cây đèn" (xem Gioan 5:35) tự nhiên phải trở nên mờ khuất trước ánh sáng xuất hiện: "Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa".
Bài Phúc Âm hôm nay bao gồm 2 phần rõ ràng: Phần đầu liên quan đến Lời Rao Giảng Tiên Khởi của Chúa Kitô, và phần sau liên quan đến việc Người chọn 4 môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em ở cùng quê và cùng làm một nghề đánh cá là cặp anh em Simon - Anrê và cặp anh em Giacobê - Gioan. Thế nhưng, căn cứ vào nội dung và chiều hướng chung của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, thì ý tưởng chính yếu ở ngay Lời Rao Giảng Tiên Khởi của Chúa Kitô: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".
Thật vậy, trong Lời Rao Giảng Tiên Khởi này của mình, Chúa Kitô, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), đã mạc khải cho thấy cả "những sự trên trời" lẫn "những sự dưới đất" (Gioan 3:12). Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy "những sự trên trời", đó là: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến",liên quan đến phần của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy "những sự dưới đất", đó là: "Các người hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm", liên quan đến phần của con người.
Chính vì "thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến", ở chỗ thời điểm Thiên Chúa có ý định hoàn tất lời hứa cứu độ của Ngài với nguyên tổ loài người ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15) đã thực sự đến rồi, ngay từ Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh, mà nay bắt đầu được hiện lộ nơi việc chính thức tỏ mình ra của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), Đấng đến để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa trên trần gian này bằng Cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua từ sự chết đến sự sống, khiến cho vương quốc cùng với các công việc của ma quỉ hoàn toàn bị phá hủy (xem 1 Gioan 3:8). Đó là lý do khi Chúa Kitô bắt đầu công bố Lời Rao Giảng Tiên Khởi này thì quả thực là "nước Thiên Chúa đã gần đến", về thời gian chỉ còn khoảng 3 năm ngắn gọn, thế thôi.
Thế nhưng, muốn được hưởng Ơn Cứu Độ của Người, nghĩa là muốn được vào Nước Thiên Chúa do Người thiết lập, con người cần phải "ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm", một cặp điều kiện, hay đúng hơn, một điều kiện lưỡng diện bất khả thiếu và bất khả phân ly để con người được cứu độ, được vào Nước Thiên Chúa. Có nghĩa là phải chân nhận mình là con người tội lỗi đáng thương, ở chỗ "ăn năn sám hối", với tất cả lòngtin tưởng vào "Phúc Âm Sự Sống - Evangelium Vitae" làLòng Thương Xót Chúa, Đấng duy nhất có thể chẳng những cứu mình khỏi tội lỗi và sự chết mà còn cho mình được thông hiệp sự sống thần linh vô cùng trọn hảo viên mãn của Ngài và với Ngài.
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy cả Bài Đọc I lẫn Bài Đọc II đều đáp ứng Lời Rao Giảng Tiên Khởi khẩn trương có tính cách mời gọi này của Chúa Kitô: "hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Nếu trong Bài Đọc I, dân thành Ninivê thuộc dân ngoại đã làm gương "ăn năn sám hối" thật tuyệt vời: "Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ", đến độ, "Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó", thì ở Bài Đọc II, Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã khuyên Kitô hữu thuộc giáo đoàn Corintô "hãy tin tưởng vào Phúc Âm", tức hãy sống đức tin như thế này:
Chính vì "Thời giờ vắn vỏi", một sự kiện "vắn vỏi" ở ngay đầu lời khuyên này của Thánh Phaolô như âm vang lời Chúa Kitô mạc khải "Nước Thiên Chúa đã gần đến" ở trong bài Phúc Âm, mà Kitô hữu chỉ "còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi". Có nghĩa là một khi sống bởi đức tin và sống theo đức tin thì chẳng khác gì Kitô hữu sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian, coi mọi sự chỉ là phương tiện để đạt đến cùng đích, để phục vụ Nước Trời.
Trước hết là gương sám hối thật tuyệt vời của dân thành Ninive: ở chỗ họ là dân ngoại, hoàn toàn không biết gì một Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái, một dân tộc lại tỏ ra khinh bỉ họ, thế mà họ vẫn chấp nhận vị tiên tri của dân Do Thái (chứ không phải tiên tri của họ). Đến độ, vị tiên tri này vừa đi rao giảng ngày đầu tiên trong 3 ngày thôi mà họ đã đồng loạt bảo nhau, từ vua tới dân, từ người đến thú phải tỏ ra những hành động ăn năn sám hối. Trước lòng thành đầy tin tưởng của một thành dân ngoại này, Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu làm sao có thể giáng phạt họ chứ! Nên "Người không thực hiện điều đó" - "Ninivê sẽ bị phá huỷ"!
Trái lại, chính dân Do Thái là dân Chúa lại không chịu sám hối. Điển hình là chính tiên tri Giona. Khi thấy dân Ninive sám hối và được Chúa tha thì lại giận Chúa, như trình thuật sau biến cố của bài Đọc I hôm nay cho thấy. Thành phần trí thức và lãnh đạo của dân Do Thái cũng có sám hối gì đâu. Lý do chính yếu sở dĩ thành phần này của dân Do Thái không thể và khó có thể tin nhân vật Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai, là Lời Chúa, là "Phúc Âm" của Thiên Chúa, là vì họ không sám hối, bởi họ cho mình là công chính, nghĩa là họ "không giống như tên thu thuế kia" (xem Luca 18:11), thành phần tội lỗi mới cần phải ăn năn sám hối.
Sau nữa, gương sống động nhất của thành phần "tin vào Phúc Âm" này chính là 4 người môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi trong bài Phúc Âm hôm nay, 4 chàng thanh niên có gia đình và nghề nghiệp đàng hoàng. Ở chỗ, vừa được nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, một nhân vật mới quen với anh em Anrê và Simon (xem Gioan 1:40-42), lên tiếng kêu gọi "'Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người'. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người".
Đúng thế, Chúa Giêsu Kitô chính là Phúc Âm của Thiên Chúa, là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa (xem Gioan 14:9), mà nếu không tin tưởng vào Người, như "tin vào Phúc Âm", thì 4 chàng thanh niên chuyên nghiệp đánh cá này không thể nào có thể tác hành một cách vô cùng điên rồ dại dột trước mắt thế gian như vậy: "Lập tức các ông bỏ lưới theo Người", hay "bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người". Thế mới biết mãnh lực vô cùng hấp dẫn xuất phát từ "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" đã có tác dụng thần linh như thế nào nơi những ai "tin vào Phúc Âm" như hai cặp anh em trong Bài Phúc Âm hôm nay, những con người chân thành chất phác, đầy lòng khao khát thần linh và cởi mở trước tác động thần linh, như tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.